Phần 1 của bài viết đã đề cập đến 4 thương hiệu máy tính hàng đầu được nhiều người dùng quan tâm nhất hiện nay. Phần 2 này sẽ nói đến 5 thương hiệu còn lại để bạn đọc có khái niệm cũng như có cái nhìn, nhận xét chung về tất cả 9 thương hiệu laptop và định hướng mua sắm laptop cho mình trong tương lai.
5/ HP (Hewlett-Packard)
HP là một hãng sản xuất máy tính khá tên tuổi và nổi tiếng trong giới công nghệ từ rất lâu không chỉ trong nước ta mà còn có mặt ở khắp nơi trên thế giới, từ các dòng laptop cho người bình dân đến doanh nhân, các dòng cao cấp và các hệ thống máy chủ (server) cỡ lớn chuyên dụng dành cho các doanh nghiệp. Với lực lượng hùng hậu các kỹ sư, chuyên gia về máy tính, HP đã khẳng định với các thương hiệu khác rằng đại đa số người dùng trước đây biết và yêu thích thương hiệu HP sẽ vẫn là "thị phần" đông đảo trong "cuộc chiến" của các hãng laptop với nhau.
Bằng chứng được cho thấy khi vị trí thứ 4 trên 9 thương hiệu laptop nổi bật nhất do người dùng bình chọn được HP củng cố một cách vững chắc trong năm 2013 và đến thời điểm hiện tại, những tháng đầu năm 2014, vị trí đó vẫn không bị thay đổi. Công nghệ và dịch vụ bảo hành
sửa chữa laptop uy tín Một lý do đơn giản là vì HP biết cách đánh vào tâm lý người dùng, thích những thiết kế mới hơn, công nghệ "lạ", bàn phím và touchpad được HP nghiên cứu kỹ để làm sao mang lại sự thoải mái cho người dùng. Nhưng bên cạnh đó, HP cũng đã phải "gánh chịu" sự "phàn nàn" từ người tiêu dùng khi họ cần được sự hỗ trợ, đặc biệt là qua email, qua điện thoại mặc dù khi bạn truy cập vào trang chủ HP, bạn sẽ cảm thấy như được HP quan tâm đến người dùng khi bạn nhìn thấy giao diện web khá tốt và các thông tin được ghi khá kỹ càng.
HP khẳng định vị trí của mình bằng những thiết kế mới lạ thu hút người tiêu dùng
Thiết kế: Trước khi có được những thành công như hôm nay, ít ai biết được HP đã từng bị người sử dụng "chán" và "chê" HP không có mỹ thuật vì thiết kế vẻ ngoài xấu xí, thô kệch. Cho đến khi model mới ra đời năm 2006, dòng laptop DV xuất hiện, HP mới thực sự được cho là có thiết kế trực quan và hấp dẫn hơn.
Tiếp bước thành công đó, ngày nay, HP đáng được khen ngợi cho việc sáng tạo ra các dòng laptop "Chromebooks" đẹp nhất trong năm 2013 vừa qua. Các laptop Pavilion 14 Chromebook được bọc bởi vỏ ngoài làm bằng nhựa cao cấp mục đích để nhà sản xuất HP vừa đạt được sự tinh tế trong thiết kế vừa cho ra đời một sản phẩm tốt ở mức giá thấp phù hợp với người tiêu dùng, và Chromebook 11 có một thiết kế cao cấp làm cho nó hấp dẫn hơn nhiều loại máy tính xách tay khác có giá hơn gấp ba lần. Các cạnh và khung máy được làm bằng nhựa trắng đẹp, mịn giúp liên tưởng đến dòng laptop MacBook trắng cũ trước đây của Apple. HP Spectre 13T là dòng Ultrabook của HP ấn tượng với phong cách thiết kế bằng nhôm tuyệt đẹp và mặt trên được phủ bởi một màu nâu bọc theo bên ngoài và xung quanh bàn di chuột cảm ứng "khổng lồ". Tuy nhiên, vẫn còn một vài sản phẩm có thiết kế hạn chế, chẳng hạn như Envy TouchSmart 15 hoặc 2750p EliteBook cần phải được hãng quan tâm hơn, "cắt tỉa" bề ngoài gọn gàng và thiết kế lại cho thật gọn nhẹ trước mắt người tiêu dùng.
HP Pavilion 14 Chromebook (bên trái), Chromebook 11 (ở giữa) và HP 2750p EliteBook (bên phải) đánh dấu bước tiến mới của HP khi kết hợp dùng hệ điều hành Chrome OS
Bàn phím và touchpad: Hewlett Packard cung cấp một bàn phím thoải mái, nút nhấn nhẹ trên cả hai dòng laptop cho dân kinh doanh và người tiêu dùng thông thường. Touchpad cũng có độ nhạy cảm ứng cao và chính xác. Dòng laptop EliteBook của HP sử dụng trong kinh doanh thậm chí được thiết kế thêm các nút chuột trái/phải chuyên dụng, giúp người dùng cảm giác tốt nhất khi click chuột. Tuy nhiên, TrackPoint của HP EliteBook dùng khó chịu hơn của Lenovo vì bề mặt lõm của nó.
HP có bàn phím và touchpad nhạy và mềm mại nhưng trackpoint gây khó khăn cho người sử dụng
Màn hình hiển thị và âm thanh: Từ sau những sản phẩm được cho là mờ nhạt so với năm ngoái, năm nay HP đã đẩy mạnh chăm chút cho dòng Ultrabook từ các dòng dành cho người dùng phổ thông như HP Spectre 13 đến các dòng dành cho doanh nghiệp (Ví dụ: HP ZBook 15), HP đã nâng cao trình quản lý âm thanh – hình ảnh. Kết quả là HP đã có bước tiến lớn trong thể loại này mặc dù hầu hết các sản phẩm khác của HP vẫn cung cấp màu sắc phong phú và góc nhìn rộng, nhưng độ sáng trung bình chỉ đạt mức 219 lux được xem là thấp hơn 242 lux (độ sáng trung bình dành cho máy tính xách tay).
Về phần âm thanh, HP liên tục gây ấn tượng trên bảng so sánh với các hãng máy tính khác khi sử dụng hệ thống âm thanh chất lượng (hầu hết của Altec Lansing). Điển hình là laptop có giá tầm dưới 500 USD, như model HP Pavilion G6z-2200, có loa gắn phía trước có khả năng chơi nhạc "cỡ lớn" mà vẫn làm thỏa mãn người dùng. Theo nghiên cứu, laptop HP năm 2013 phát ra âm thanh ở mức khoảng 84 decibel, chỉ hơi thấp hơn mức trung bình (85 dB). Hiện nay, HP cũng được kết hợp tính năng Beats Audio trên một số máy tính xách tay, làm phong phú thêm âm trầm (bass) và âm thanh tổng thể khi giải trí.
Phần mềm: So với bộ phần mềm HP năm ngoái thì năm nay HP cũng chưa đưa ra được phần mềm nào ấn tượng. Tuy nhiên cũng có những cập nhật quan trọng từ phía HP chẳng hạn như với Envy TouchSmart 15, bạn sẽ nhận được gói kết nối hình ảnh và âm nhạc, cho phép bạn dễ dàng thiết lập những kết nối đa phương tiện. Phần mềm SimplePass của HP được cung cấp để tăng tính bảo mật trong việc đọc dấu vân tay khi bạn truy cập vào máy tính, đăng nhập vào Windows và các trang web cá nhân.
6/ SONY
Một sự thật "tàn nhẫn" và đáng buồn nhưng cũng thực sự phù hợp với xu thế phát triển, cạnh tranh giữa các hãng máy tính đứng đầu hiện nay đó là sự lao dốc gần như không phanh của hãng sản xuất có tiếng, có tên tuổi trong làng công nghệ lâu nay – đó là Sony. Chỉ mới cách đây 1 năm, laptop Sony vẫn "làm mưa làm gió" trên thị trường thì vào đầu năm nay, mà cụ thể là vào tháng 02/2014 vừa rồi Sony đã phải bán đi bộ phận kinh doanh của thương hiệu laptop VAIO đã từng gắn bó với họ lâu đời cho quỹ đầu tư Japan Industrial Partners (JIP - Nhật Bản) vì việc kinh doanh của Sony không còn được người dùng ưa chuộng và quan tâm đến, thứ nhất là giá cả khá cao, thứ hai những người đã từng yêu thích Sony cũng đều có nhận xét rằng Sony giờ chỉ còn là thương hiệu, trong khi chất lượng và linh kiện không còn giữ được độ bền như lúc xưa,… và vì thế người dùng Sony dần ra đi và theo các hãng máy tính khác do có "lợi" nhiều hơn cho nhu cầu và túi tiền của họ.
Chính những thay đổi khá bất ngờ khi Sony mất đi mảng kinh doanh quan trọng trong dòng máy tính xách tay để chú trọng vào điện thoại di động và máy tính bảng nên kết quả đạt được của Sony đối với người dùng laptop hiện ở vị trí cuối cùng 9/9 thương hiệu nổi bật nhất trên thị trường. Sony bán bộ phận VAIO của mình và cố gắng xây dựng hình ảnh theo phương diện khác cộng với việc đội ngũ thiết kế tạo ra những sản phẩm laptop lai không phù hợp với yêu cầu của đa số người dùng. Do đó, dựa trên những đánh giá khách quan của đa số người sử dụng máy tính lâu năm thì laptop Sony không còn đảm bảo chất lượng để phù hợp với giá thành khá cao của nó nữa. Theo các bạn, vị trí thứ 9 này có phần nào người tiêu dùng quá "o ép" Sony không nhỉ?
Thiết kế: Từ khi Sony chuyển giao cho JIP, việc nghiên cứu các dòng máy tính VAIO mới cũng như chiến lược phát triển sản phẩm như thế nào đều sẽ do phía bên JIP quyết định. Mặc dù Sony tung ra 2 dòng laptop thuộc dòng Ultrabook Sony VAIO Pro 13 và VAIO Pro 11, mỏng, nhẹ và chip đời mới Haswell nhưng vẫn tồn tại những nhược điểm khiến người sử dụng có thể bị thương bất cứ lúc nào vì các cạnh bên quá mỏng và sắc, nếu sơ ý sẽ làm trầy xước và chảy máu, webcam thì có độ phân giải "nghèo nàn", chưa kể máy nóng khi làm việc lâu và thỉnh thoảng lại nghe tiếng ồn của quạt. Đặc biệt, với laptop Sony VAIO Pro 11 thiết kế bàn phím khá nhỏ khiến cho người dùng không thoải mái và tỉ lệ gõ sai chữ "s" thuộc hàng khá cao.
Sony Vaio Pro 13 và Vaio Pro 11 có cạnh bên sắc, nhọn dễ gây tổn thương cho người sử dụng
Bàn phím và touchpad: Sony là hãng có đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật đứng đầu trong các hãng sản xuất máy tính nhưng cũng số lượng người cần hỗ trợ cũng tăng lên về vấn đề bàn phím và touchpad. Theo đánh giá và trải nghiệm của các chuyên gia và người dùng trên 2 mẫu laptop Sony Vaio Duo 13 (có giá 1899 USD) và Sony Vaio Fit (850 USD) khi di chuyển hay đi du lịch nhiều, va chạm nhẹ hoặc thời tiết thay đổi thì bàn phím rất yếu và dễ bị cong vênh. Touchpad thì khá rộng rãi, thoải mái, khá nhạy nhưng có những khuyết điểm trong việc kết hợp cử chỉ các ngón tay với nhau khi xoay vòng hoặc di chuyển đa chạm thì không được phản hồi tốt.
Bàn phím, touchpad của Sony Vaio Duo 13 và Vaio Fit 14 vẫn còn những hạn chế nhất định khi sử dụng
Màn hình hiển thị và âm thanh: Màu sắc rực rỡ, sắc nét, laptop Sony có độ sáng tốt khi đạt trung bình 267 lux, vượt hơn hẳn các loại máy tính xách tay bình thường (242 lux). Và nhờ vào công nghệ màn hình hiển thị Triluminous của Sony (kế thừa công nghệ từ tivi của công ty), máy tính xách tay Sony có xu hướng cung cấp màu sắc thực tế. Nhưng bên cạnh đó, kinh nghiệm của các chuyên gia cho thấy dù với độ phân giải 1366 x 768 pixel trên VAIO Fit 14, nó vẫn có nhược điểm khi thể hiện ánh sáng khá chói gây mất tập trung và khó chịu với người dùng, và VAIO T Series 15 màn hình FullHD 1080p thì có góc nhìn khá hẹp. Ngay cả những dòng cao cấp hơn là VAIO Pro 11 và 13 cũng phải vật lộn với những cảnh phim tối hơn khi trình diễn video vì không đủ độ tương phản.
Về mặt âm thanh, laptop Sony nghe khá sắc nét và sống động, tính năng VAIO Control Center của Sony giúp cải thiện chất lượng âm thanh và để giảm bớt những âm thanh bị tạp nhiễu giúp nghe rõ hơn trong môi trường bên ngoài. Dùng thiết bị đo tần số âm thanh của laptop Sony, ta nhận được 84 decibel, thấp hơn một chút so với mức trung bình (85 decibel).
Thực chất, laptop Sony Vaio hiện giờ rất hiếm khi có mức giá dưới 500 USD, nhất là các dòng Pro, Duo hay Ultrabook, trong khi đó với ngân sách như vậy, chúng ta đã có thể tậu cho mình một chiếc laptop cấu hình tốt, hiệu năng tốt hơn và công nghệ cũng không hề thua kém. Phải chăng Sony muốn "làm giá" vì "tự hào" rằng mình là thương hiệu có tên tuổi trong làng công nghệ?
Phần mềm: Từ trong quá khứ Sony đã nổi tiếng với việc phát triển thiết kế, lập trình các công nghệ về điện tử, nên họ thành công trong việc phát triển phần mềm đa phương tiện cho laptop là không có gì phải tranh cãi bởi các thiết bị điện tử nói chung của họ vẫn thuộc một trong những loại "chất nhất" hiện nay. VAIO Pro 13 gần đây được trang bị gói ứng dụng PlayMemories để chia sẻ hình ảnh và ArtRage Studio để làm một số kiệt tác trên màn hình cảm ứng. Phần mềm Sony Studio cũng được tìm thấy trên laptop lai VAIO Flip 14 – hỗ trợ các tính năng cho chương trình ghi đĩa DVD, làm phim và tạo âm thanh chuyên nghiệp cao cấp. Trong khi đó, model Sony Vaio Duo 13 đi kèm với ArtRage Pro để tận dụng tối đa nhu cầu nhập liệu bằng bút, cùng với thời gian dùng pin lâu, sản phẩm hướng đến khách hàng thường xuyên phải di chuyển. Các ứng dụng khác như VAIO Care cho phép bạn giữ cho hệ thống của bạn cập nhật và khắc phục sự cố khi gặp phải vấn đề.
Phần mềm ArtRage Studio sáng tạo "kiệt tác" trên màn hình cảm ứng
7/ SAMSUNG
Nói về Samsung – Hàn Quốc, tuy tuổi đời còn non kém trong làng laptop nhưng với bề dày kinh nghiệm và là một trong những hãng điện tử hàng đầu chuyên sản xuất TV, âm thanh nổi, thiết bị gia dụng… nên theo đánh giá của các chuyên gia không sớm thì muộn cũng tham gia vào việc chạy đua sản xuất laptop. Samsung đã chế tạo ra các laptop chất lượng tốt với màn hình tinh thể sắc nét, công nghệ vượt trội không thua kém bất kỳ một thương hiệu nào đã có mặt trước đó lâu năm. Điều đó có được nhờ những kinh nghiệm trong việc sản xuất TV cũng như cấu hình mạnh mẽ từ việc tự sản xuất chip. Nếu bạn thích xem phim, xử lý các nội dung đa phương tiện khác trên laptop thì Samsung là một thương hiệu đáng lưu ý.
Để vượt mặt một số thương hiệu khác và nắm giữ vị trí thứ 6/9 thương hiệu hàng đầu, Samsung đã phải cật lực thay đổi và phát triển chiến lược trong các dòng laptop của mình, minh chứng là việc phát triển công nghệ hỗ trợ Showdown và phần mềm Samsung SideSync hấp dẫn, cho phép bạn chạy các ứng dụng điện thoại và trả lời tin nhắn trên màn hình lớn, chính sách bảo hành sửa chữa laptop uy tín Công ty Samsung cũng tiếp tục tỏa sáng khi nói đến thiết kế, nhưng với thiết kế bàn phím và tổng thể sản phẩm vẫn có thể được hãng cải thiện hơn nữa trong tương lai.
Hỗ trợ kỹ thuật Showdown: Nhờ vào việc Samsung ra chính sách mới khi hỗ trợ kỹ thuật – Samsung Cares trong ứng dụng cho Android, Samsung tiếp tục thực hiện chiến dịch "Hỗ trợ từ xa" cho chương trình máy tính và một nhóm khác chuyên hỗ trợ trực tuyến. Việc này đã làm cho Samsung được người dùng tin tưởng hơn và đánh giá cao trong 2 năm trở lại đây. Dịch vụ "Live Chat" vẫn được hỗ trợ tốt tuy nhiên, khả năng hỗ trợ qua điện thoại khách hàng vẫn phải chờ liên lạc với Samsung khá lâu, và thường thì nhân viên hỗ trợ của Samsung vẫn chưa có sự trả lời hợp lý cho những thắc mắc của khách hàng.
Thiết kế: Thành công mới nhất của Samsung có thể kể đến là Samsung Ativ Book 9 và Samsung Ativ Book 9 Plus, cả 2 loại laptop này đều được Samsung thiết kế mảnh dẻ, màn hình hiển thị Retina như dòng MacBook Retina đời mới của Apple, tuổi thọ pin dài và hiệu suất của chip Haswell cũng thật ấn tượng. Cũng giống như Apple, Samsung đã tìm thấy một điểm nổi bật: khung vỏ máy tính hoàn toàn được làm bằng nhôm màu xanh thẫm cho máy tính xách tay cao cấp như Ativ Book 9 và Ativ Book 9 Plus. Tuy nhiên, đời trước của dòng Ativ Book - bao gồm Ativ Book 5, Ativ Book 6 và Ativ Book 8 đã kết hợp hai thành phần: sự thẩm mỹ của nhôm và độ bền của nhựa cứng làm cho giới chuyên môn đánh giá cao Samsung trong khâu thiết kế.
Samsung Ativ Book 8 (bên trái) và Ativ Book 9 (bên phải) được người dùng đánh giá cao về thiết kế
Bàn phím và touchpad: Tùy thuộc vào dòng máy tính xách tay bạn mua mà có những cảm nhận khác nhau về bàn phím và touchpad ở các dòng laptop của Samsung. Ví dụ: trong cùng dòng Ativ Book, Samsung Ativ Book 9 lại cho cảm nhận bàn phím có cảm giác tốt khi các phím có độ nảy hợp lý; trong khi đó Ativ Book 8 lại có độ nảy phím khá nông và khá mềm xốp nên cảm giác các ngón tay không tốt, như bị dính ngón tay mỗi khi bấm phím.
Touchpad của laptop Samsung thì có phần khập khiễng hơn vì ngay cả dòng Ativ Book 9 Plus cũng gặp vấn đề khi kéo chụm 2 ngón tay lại hay phóng to ra khi di chuyển. Tệ hơn là cảm ứng touchpad ở Ativ Book 6 thì khó khăn trong việc phân biệt thao tác 2 ngón khi cuộn và kéo, khi sử dụng Windows 8 thì cảm giác như cảm ứng không còn nhạy khi có lúc các cử chỉ của ngón tay không được hệ thống "công nhận".
Bàn phím, touchpad Ativ Book 6 (bên trái) và Ativ Book 9 (bên phải)
Màn hình hiển thị và âm thanh: Có thể nói Samsung đầu tư khá kỹ cho màn hình của dòng Ativ Book khi laptop Ativ Book 9 Plus có độ phân giải 3200 x 1800 pixel, màn hình 13.3-inch giúp cung cấp hình ảnh tuyệt vời ngang tầm với một màn hình hiển thị Retina MacBook Pro. Tuy nhiên, Ativ Book 8 có màu sắc có phần thấp và kém sắc nét hơn, ngay cả Ativ Book 5 độ phân giải chỉ là HD 1366 x 768p trong khi kích thước màn hình đến 15.6-inch nên hình ảnh cũng mờ và nhòe hơn. Xét cho cùng, máy tính xách tay Samsung chỉ đạt độ sáng ở mức 234 lux, thấp hơn so với 242 lux của máy tính xách tay loại trung bình về độ sáng màn hình.
Phần mềm: Samsung đã cải tiến rất nhiều trên tất cả các "mặt trận" phần mềm ở đầu năm nay, cung cấp một loạt các chương trình đa phương tiện nhằm tăng điểm số của mình trong các đánh giá chuyên môn cho laptop. Các dòng Ativ Book của Samsung cung cấp phần mềm S-Player để người dùng thưởng thức nội dung giải trí xem phim, nghe nhạc, chơi game,…, S-Photo Studio để chỉnh sửa hình ảnh và Kies để sao lưu các tập tin. Các Ativ Book 5 được trang bị tính năng công nghệ SoundAlive của Samsung, với 13 cài đặt âm thanh khác nhau cho những ai đam mê âm nhạc có thể trải nghiệm. Bên cạnh đó, với phần mềm SideSync – các ứng dụng cho phép bạn kéo lên một màn hình ảo như màn hình điện thoại Samsung của bạn và tương tác với các ứng dụng điện thoại di động của bạn trên máy tính xách tay.
8/ TOSHIBA
Trong năm qua, Toshiba đã cải thiện rất tốt về kiểu dáng và hiệu năng cho các dòng laptop đời mới, vì thế số điểm mà giới chuyên gia đánh giá cũng tăng lên từ 56 tăng lên 68 (trong thang điểm 100). Hiện Toshiba đang đứng ở vị trí thứ 7/9 thương hiệu. Khi sử dụng laptop của Toshiba, bạn sẽ cảm thấy laptop luôn ở tình trạng khá tốt khi trình diễn hình ảnh và âm thanh, cũng như về giá và tùy chọn cấu hình phù hợp với người tiêu dùng, không quá cầu kỳ và không quá đắt đỏ. Tuy vậy, Toshiba vẫn còn thua xa đối thủ cạnh tranh khác về hỗ trợ công nghệ và bàn phím. Trong kiểu dáng thì Toshiba cũng không tạo ra được bước đột phá mới nào để ra đời một laptop hấp dẫn và bắt mắt người dùng (Ví dụ như dòng máy tính "lai") ít nhất là cho đến thời điểm này.
Nói đến thiết kế của Toshiba trong năm nay vẫn là một sự dậm chân tại chỗ, chưa có một sản phẩm nào "độc đáo" và "khác lạ" mang dấu ấn của chính hãng ngoài một điểm sáng trong dòng Toshiba Kirabook và thiết kế Skyline mới đặc trưng trên Toshiba Satellite P55t, Satellite S55t, Satellite E45t với vỏ nhôm và các góc được bo tròn mang theo sự mềm mại. Theo đánh giá của nhiều người, Toshiba vẫn thiết kế dành cho phụ nữ nhiều hơn.
Hai trong số những sản phẩm nổi bật của Toshiba trong năm nay – Toshiba Kirabook và Satellite P55t
Bàn phím và touchpad: Trong khi laptop Toshiba Kirabook có bàn phím và bàn di chuột hỗ trợ tuyệt vời khi chơi game thì Qosmio X75 cung cấp một cảm nhận tiếp xúc giữa người dùng và bàn phím một cảm giác hơi mềm mại, thậm chí nhiều người dùng khác còn cho rằng bàn phím hơi nông và vẫn có cảm giác dính ngón tay khi gõ. Laptop Toshiba vẫn đôi khi sử dụng các phím ngắn hơn bình thường, gây cảm giác chật chội và khó gõ phím như trên Toshiba Satellite NB15t. Cảm ứng touchpad là rất chính xác và đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng thông thường. Ngoài ra, Toshiba còn phát triển một dòng laptop khác (tương tự như IBM Thinkpad của Lenovo) – dòng Tecra dành cho dân kinh doanh, có chất lượng cao, độ nhạy Trackpoint chỉ đứng thứ hai sau TrackPoint nổi tiếng của Lenovo về sự thoải mái và độ chính xác mỗi khi di chuột.
Bàn phím, touchpad Toshiba Qosmio X75 (bên trái) khá mềm mại và Toshiba Tecra R940 (bên phải) có trackpoint giống các dòng Thinkpad của Lenovo
Màn hình hiển thị và âm thanh: Chỉ những dòng laptop cao cấp "siêu di động" và laptop dành cho game thủ mới được Toshiba trang bị những màn hình ấn tượng nhất trên thị trường. (Ví dụ, màn hình 13.3 inch, độ phân giải 2560 x 1440 của Kirabook có khả năng thể hiện điểm ảnh đến 221 ppi; Toshiba Qosmio X875 mang đến hình ảnh sống động với chế độ đồ họa Full HD1080p 3D làm cho bạn cảm thấy cực kỳ "hưng phấn" khi trải nghiệm các game hành động).
Tuy nhiên, màn hình máy tính xách tay của Toshiba chỉ đạt độ sáng trung bình 214 lux (thấp hơn so với laptop trung bình 242 lux). Và một số máy tính xách tay trong dòng Satellite như S55t và A5277, có độ phân giải thấp cho giá cả phù hợp hơn với người tiêu dùng.
Âm thanh của từng dòng cũng khác nhau và dễ phân biệt từ dòng thấp cấp cho đến cao cấp, theo nhận định của các chuyên gia thì họ đánh giá cao phần mềm âm thanh DTS mà có cài đặt sẵn trên các máy tính laptop Satellite. Với mức trung bình 84 decibel qua quá trình kiểm tra, máy tính xách tay của Toshiba gần như đạt được con số ngang bằng với mức âm thanh tiêu chuẩn (85 dB).
Phần mềm: Lựa chọn phần mềm của laptop Toshiba đã không thay đổi nhiều kể từ năm ngoái, một số tiện ích sao lưu được cung cấp dành cho hệ điều hành Microsoft Windows 8.1. Toshiba phát triển một phần mềm mục đích phục vụ việc nghe nhạc độc quyền của hãng, phần mềm Toshiba Start dùng để đọc tin tức hằng ngày, và Toshiba Book Place dùng để tải về và đọc sách điện tử online. Dòng laptop xuất hiện gần đây như Toshiba Tecra Z40 được hỗ trợ gói phần mềm Toshiba Assist chẩn đoán "bệnh" máy tính, trong khi Satellite E45t có cài đặt sẵn Nuance Dragon Assistant cho phép thực hiện tác vụ bằng giọng nói.
Phần mềm Toshiba Assist thực hiện nhiệm vụ chẩn đoán bệnh cho laptop
9/ ACER
Kể từ những năm 90, hãng sản xuất máy tính Acer của Đài Loan đã chuyển hướng tập trung vào việc chế tạo các dòng máy tính giá rẻ, rẻ hơn các thương hiệu khác. Cho đến nay, thương hiệu này còn mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn phong phú từ dòng thấp cấp cho đến cao cấp với "giá rẻ bất ngờ". Điển hình, Acer tạo ra các netbook (máy tính xách tay cỡ nhỏ) cấu hình mạnh mẽ nhưng giá cả lại thuộc hàng rất bình dân.
Điều đó cũng có thể nói được chất lượng sản phẩm của Acer đạt đến mức nào trong phân khúc những thương hiệu hàng đầu ở thị trường máy tính. Sau năm 2013 và những bước tiến chậm chạp trong việc cải thiện chất lượng laptop đã giữ chân Acer ở vị trí "áp chót" của danh sách các thương hiệu tính đến thời điểm này. Công nghệ trên máy tính của Acer gần như luôn bắt kịp xu hướng người dùng thích thay đổi và theo cái mới hơn nhưng so với các thương hiệu khác tỉ lệ hỏng hóc của laptop Acer luôn chiếm trên dưới 15% - chất lượng không cao (chưa nói đến việc người dùng còn phàn nàn rằng "chất lượng kém đi thấy rõ sau 3 năm sử dụng"). Mặc dù có đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật khá tốt và một loạt các tùy chọn laptop phong phú, cấu hình cao, nhưng linh kiện được trang bị cho laptop Acer là vấn đề "nhức nhối" và nhiều người bàn tán nhất.
Thiết kế: Ngoài cái giá khá rẻ, Acer cũng muốn thể hiện mình có những sản phẩm nhìn bắt mắt và thiết kế không thua kém các hãng sản xuất nổi tiếng khác. Thay đổi kiểu dáng là tiêu chí của hãng trong việc thu hút người tiêu dùng. Cụ thể, vừa qua Acer cũng đã ra mắt dòng máy tính Acer Aspire S7 nặng khoảng 1,36kg, kích thước rộng 6,8cm x dài 22,35cm x dày 1,29cm (2,7 x 8,8 x 0,51 inch), toàn bộ được thiết kế siêu mỏng với khung nhôm trắng sắc sảo và màn hình làm bằng mặt kính Gorilla Glass. Tiếp nối thành công, Acer tiếp tục đẩy mạnh thiết kế "lạ" và khá "kỳ cục" ở sản phẩm Acer Aspire R7 với 3 chế độ khi sử dụng là: EZEL Mode (màn hình có thể đặt song song với bàn phím tạo cảm giác màn hình "nổi" lên trên), Display Mode (dùng để trình diễn trong các cuộc hội họp khi ngửa hẳn màn hình ra ngoài) , và Pad Mode (gập màn hình che toàn bộ bàn phím). Thiết kế sáng tạo của Acer cho phép người dùng điều chỉnh màn hình hiển thị ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, hãng vẫn sản xuất những dòng laptop làm bằng nhựa rẻ tiền như Aspire V3-551, C720 Chromebook…, mang thiết kế cũng khá hiện đại dành cho người dùng phổ thông, sinh viên và học sinh.
Thiết kế siêu mỏng của Aspire S7 cao cấp và nét hiện đại của dòng Aspire V3-551 bình dân thu hút người tiêu dùng
Bàn phím và touchpad: Thông thường bàn phím laptop Acer được thiết kế khá chắc chắn, nút bàn phím to, nhưng vì để giảm chi phí một số dòng bình dân, Acer đã thiết kế cho các dòng Chromebook C720p và Aspire V5-122P bàn phím chất lượng kém hơn và cảm giác gõ thiếu thoải mái khi các phím khá nông. Touchpad thì đa số laptop Acer đều sử dụng bình thường, bên cạnh đó cũng có một số laptop cho cảm giác không nhạy, các thao tác cử chỉ cũng có hiệu suất kém hơn, nút nhấn chuột trái/ phải rời rạc, độ nảy thấp(Ví dụ: Aspire V3-722G, Aspire V3-551-8458). Touchpad Aspire R7 càng là một "thất bại" lớn với người dùng khi đặt ngược phía trên bàn phím gây rất khó chịu khi thao tác.
Nút nhấn chuột trái/phải trên Aspire V3-551-8458 cho cảm giác "nông" và Aspire R7 thì thiết kế "kỳ cục"
Màn hình hiển thị và âm thanh: Với tầm giá khá rẻ cho một chiếc laptop được thiết kế và tính năng khá đầy đủ như vậy thì chất lượng dĩ nhiên không thể nào được đánh giá cao, Acer được đánh giá rằng có màn hình hiển thị mờ, góc nhìn hẹp, độ sáng cũng mờ hơn (203 lux) so với dòng laptop trung bình (242 lux), ngoại trừ một vài dòng cao cấp Aspire S7, Aspire R7, TravelMate P645 có độ phân giải Full HD 1080p khá tốt. Âm thanh "cạn" và đôi khi như bị "bóp nghẹt", chất lượng kém, âm "trầm", "bổng" không thể hiện rõ mặc dù "độ lớn" của loa laptop Acer phát ra lên đến 89 decibel so với mức trung bình 84 (db).
Phần mềm: Vẫn như năm 2013, Acer vẫn giữ nguyên và tập trung vào các yếu tố hữu ích của phần mềm. Thay vì tích hợp tất cả các tính năng chia sẻ các tập tin đa phương tiện vào một chương trình, Acer lại tách thành hai công cụ riêng biệt gồm clear.fi Photo và clear.fi Media. Dù vậy, cả hai chương trình này vẫn có thể giúp người dùng dễ dàng chia sẻ các tập tin đa phương tiện giữa các sản phẩm tương thích với DNLA. Tuy nhiên, clear.fi Media dùng để xử lý video và âm nhạc trong khi clear.fi Photo dùng để xử lý hình ảnh độc quyền. Clear.fi Documents dùng để quản lý tập tin dễ dàng. Các ứng dụng đám mây của Acer cũng ấn tượng – cho phép bạn chia sẻ nội dung giữa laptop của bạn với điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Thêm vào đó, dòng laptop dành cho dân kinh doanh như TravelMate P645 cung cấp các chương trình hữu ích tiên tiến như ProShield để bảo mật và quản lý văn phòng hoặc kết nối đến tất cả các máy tính xách tay trong mạng LAN một cách an toàn.
Tóm lại: Các thương hiệu trên đã góp phần làm cho thị trường máy tính nói chung và laptop nói riêng ở Việt Nam chúng ta khá phong phú nên khi lựa chọn cho mình một chiếc laptop xứng tầm giữa cấu hình, chất lượng và giá tiền thì bạn có thể tham khảo thêm từ gia đình, người thân, bạn bè để có sự lựa chọn hợp lý. Các đánh giá trên là từ các chuyên gia đánh giá về các khía cạnh của từng sản phẩm trong mỗi thương hiệu, cùng với kinh nghiệm sử dụng của những người dùng lâu năm và thị trường thực tế hiện nay nên có thể mỗi người chúng ta đều có ý kiến khác nhau. Theo tôi, điều đáng buồn chính là dành cho thương hiệu Sony đã nổi danh và nổi tiếng từ lâu, thuộc hàng "lão làng" nhưng vẫn gánh chịu những thất bại không đáng có vì họ quá "chủ quan" vào thương hiệu của mình.